Công tác tư vấn, giáo dục tại Cơ sở Cai nghiện ma túy số 5 Hà Nội
Ngày cập nhật 25-07-2023. Lượt xem: 601
Chúng ta đều biết rằng nghiện ma túy là căn bệnh của não bộ, nhưng nghiện không chỉ là một bệnh của não mà còn phức tạp hơn thế. Nó chịu sự tác động của rất nhiều yếu tố, ngoài yếu tố về bản thân chất gây nghiện hay các yếu tố sinh học về thể chất người sử dụng như giới tính, tình trạng sức khỏe, độ tuổi…còn có các yếu tố về môi trường như địa bàn sinh sống có sẵn ma túy không? Chính bởi bản chất phức tạp của nghiện ma túy như vậy nên cai nghiện ma túy là một quá trình phức tạp và lâu dài, trong đó có rất nhiều yếu tố có thể đưa bạn đến tái nghiện ma túy.
Điều trị nghiện ma túy đòi hỏi phải kiên trì và cần có một liệu pháp tổng hợp đồng bộ…cai nghiện ma túy không chỉ nhằm vào mục tiêu người nghiện không tái sử dụng ma túy mà còn đòi hỏi người đó phải có một lối sống điều độ, hợp lý, tự quản lý bản thân một cách tốt đẹp và có sự thay đổi về nhận thức. Người nghiện ma túy thường có đặc điểm cơ bản về tâm sinh lý như: Tổn thương hệ thống não bộ, có sự thay đổi về tâm sinh lý, rối loạn và xuống cấp nhận thức hành vi, nhân cách. Sau một thời gian dài sử dụng ma túy, người nghiện sẽ hình thành nhiều thói quen xấu, họ không đủ nhận thức, nghị lực để sống một cách lành mạnh.
Nghiện ma túy không phải là một hành động nhất thời mà là một quá trình diễn biến phức tạp nội tâm, do vậy trong quá trình phòng chống tái nghiện cho người nghiện ma túy, việc trang bị cho học viên các giá trị sống và kỹ năng phòng chống tái nghiện có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình cai nghiện cho học viên. Tuy nhiên, quá trình giáo dục giảng dạy còn nặng nề về truyền đạt kiến thức và ít hình thành các kỹ năng cho học viên, đặc biệt là kỹ năng phòng chống tái nghiện.
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác giáo dục đóng góp vai trò chủ đạo trong quá trình cai nghiện ma túy cho học viên. Chi cục Phòng chống Tệ nạn Xã hội đã ban hành hướng dẫn số 1530 ngày 25/5/2018 về việc đổi mới công tác giáo dục, tư vấn tại các Cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn thành phố Hà Nội nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức về quan điểm của Đảng và Nhà nước về công tác phòng chống ma túy, tác hại của việc sử dụng ma túy và lợi ích của việc cai nghiện giúp học viên hiểu và quyết tâm từ bỏ ma túy. Do đó đổi mới công tác giáo dục tại Cơ sở Cai nghiện ma túy số 5 đó chính là hướng tới lấy học viên làm trung tâm, hình thành cho học viên các kỹ năng, qua đó học viên được trải nghiệm, được bày tỏ cảm xúc giúp, được trang bị các kỹ năng cho bản thân mình trong quá trình từ bỏ ma túy là vô cùng quan trọng.
Công tác tư vấn được triển khai ngay từ khi làm thủ tục tiếp nhận người đến cai nghiện. Trong quá trình cắt cơn giải độc, phục hồi sức khỏe, trong giai đoạn học tập, rèn luyện lao động phục hồi hành vi nhân cách và đặc biệt trước khi tái hòa nhập cộng đồng. Có hai hình thức tư vấn chủ yếu là tư vấn nhóm và tư vấn cá nhân hoặc tư vấn cá biệt (nếu học viên vi phạm kỷ luật), ở mỗi giai đoạn thì nội dung tư vấn cũng khác nhau. Tư vấn cá nhân được thực hiện vào bất kỳ thời gian nào nếu học viên có nhu cầu, tư vấn nhóm được chia làm 2 nhóm: Tư vấn nhóm cho học viên mới ra Đội; Tư vấn nhóm cho học viên trước khi tái hòa nhập cộng đồng (1 tháng/lần).
Ảnh: Hoạt động lên lớp giáo dục của học viên
Chương trình giáo dục tại cơ sở hiện nay gồm 03 phần, phần I: Chính sách pháp luật về công tác phòng, chống ma túy; phần II: Nghiện ma túy và những can thiệp với người nghiện, phần V: Hòa nhập cộng đồng. Chương trình giáo dục sử dụng các phương pháp giảng dạy tích cực hướng đến sự thay đổi nhận thức của học viên là mục tiêu và động lực của quá trình giáo dục, một số các phương pháp giáo dục đang áp dụng tại cơ sở như: Đặt vấn đề, thuyết trình diễn giảng, thảo luận nhóm, động não, phương pháp trải nghiệm, phương pháp đóng vai theo chủ đề …bên cạnh đó kết hợp với các hoạt động tập thể như: Kể chuyện, vẽ tranh, đóng tiểu phẩm, chơi trò chơi mang tính giá trị, suy ngẫm tưởng tượng, thực hành thư giãn… đó là những tình huống mà học viên thường gặp trong cuộc sống, giúp học viên dễ học dễ nhớ và dễ áp dụng, kết quả sau mỗi giờ lên lớp học viên nhận thức sâu sắc giá trị các bài học để từ đó trang bị cho mình các kiến thức kỹ năng phòng chống tái nghiện quyết tâm từ bỏ ma túy trở về với gia đình và xã hội./.
Ảnh: Học viên thảo luận trong giờ lên lớp giáo dục
Hoàng Thị Khánh- Cơ sở CNMT số 5 Hà Nội