Cơ sở Cai nghiện ma túy số 5 Hà Nội đặc biệt chú trọng tới công tác phòng, chống bệnh Sốt xuất huyết
Ngày cập nhật 23-09-2023. Lượt xem: 268
Tính từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận 10.362 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết trong thời gian này có thể tiếp tục có xu hướng gia tăng so với thời gian trước. Dự báo, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian tới.
Vào thời điểm này, thời tiết đang dần bắt đầu chuyển sang khí hậu lạnh, mưa nhiều, độ ẩm tương đối cao khoảng 70%, làm tăng nguy cơ dịch bệnh bùng phát trong đơn vị, vì vậy công tác phòng, chống dịch bệnh lây truyền từ muỗi tại Cơ sở Cai nghiện ma túy số 5 Hà Nội luôn được cấp ủy, Ban Giám đốc quan tâm và chú trọng. Muỗi đốt là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh sốt xuất huyết, một căn bệnh vô cùng nguy hiểm cho con người nếu không được xử trí và điều trị kịp thời.
Thực hiện Kế hoạch số 316/KH- CSCNMT5 ngày 07 tháng 08 năm 2023 của Cơ sở cai nghiện ma túy số 5 về Phòng chống dịch bệnh Sốt xuất huyết. Chiều ngày 17/9/2023, Cơ sở đã tiến hành phun thuốc diệt muỗi bao gồm khu nhà ở công vụ, khu hành chính, khu thăm gặp, khu chăn nuôi, các đội Quản lý học viên, toàn bộ khuôn viên trong và ngoài Cơ sở.
Để thực hiện công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết do muỗi vằn gây nên trước hết chúng ta cần hiểu rõ về bệnh này: Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm do virus gây nên, Virus truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt. Muỗi Aedes Aegypti là côn trùng trung gian truyền bệnh chủ yếu. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường gia tăng vào mùa mưa, bệnh gặp cả trẻ em và người lớn. Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, tụt tiểu cầu, rối loạn đông máu, suy tạng nếu không được chẩn đoán và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.
Ảnh: Cán bộ, nhân viên phòng điều trị ngoại trú phun thuốc trừ muỗi, vệ sinh trong phòng ở khu vực quản lý học viên
Sự nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết là hiện nay ở Việt Nam bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh. Bệnh thường gây ra dịch lớn với nhiều người mắc cùng lúc làm cho công tác điều trị hết sức khó khăn, có thể gây tử vong nhất là với trẻ em, gây thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội. Virus gây bệnh sốt xuất huyết Dengue có 4 loại tương ứng với 4 tuýp huyết thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4, cả 4 tuýp gây bệnh này đều gặp ở Việt Nam và luân phiên gây dịch. Do miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng tuýp cho nên có thể mắc bệnh sốt xuất lần thứ 2 hoặc lần thứ 3 bởi những tuýp khác nhau.
Ảnh: Cán bộ, nhân viên phun thuốc trừ muỗi trong lớp học
Nguyên nhân gia tăng bệnh sốt xuất huyết hiện nay là do điều kiện thời tiết thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển, đặc biệt miền Bắc đang trong điều kiện thời tiết nắng mưa đan xen. Bên cạnh đó, tốc độ đô thi hóa nhanh giữa các vùng miền cũng làm gia tăng nguy cơ lan rộng và khó quản lý, kiểm soát nguồn truyền bệnh. Môi trường tại các công trình xây dựng, nhà máy, xí nghiệp, nhà trọ, lán trại không được quan tâm xử lý, dẫn đến phát sinh các ổ bọ gậy của muỗi truyền bệnh.
Ngoài ra, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong năm 2023, 2024, hiện tượng biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino có thể thúc đẩy muỗi sinh sản, làm gia tăng sự lây truyền bệnh sốt xuất huyết và các bệnh do muỗi truyền. Theo khuyến cáo các chuyên gia y tế, bệnh sốt xuất huyết diễn biến khó lường, thậm chí dễ dẫn đến biến chứng giảm tiểu cầu gây xuất huyết nặng, viêm phổi cấp hay suy đa tạng… nhất là đối với những người có bệnh nền.
Hiểu được tác hại do bệnh sốt xuất huyết gây ra đối với con người, Cơ sở Cai nghiện ma túy số 5 Hà Nội đã triển khai xây dựng kế hoạch số 316/KH- CSCNMT5 ngày 08/08/2023 về Phòng chống dịch Sốt xuất huyết và nhiều biện pháp cũng như tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: Thông báo trong các buổi chào cờ, họp cơ quan định kỳ hàng tháng; trong các buổi họp giao ban; thu âm và phát thanh trên hệ thống loa truyền thanh của đơn vị nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ và học viên nhận thức về tác hại và ảnh hưởng của bệnh truyền nhiễm từ muỗi. Đối với học viên cán bộ thường xuyên nhắc nhở ý thức giữ gìn vệ sinh chung; không khạc nhổ; vứt rác bừa bãi; hướng dẫn học viên tắm giặt; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn; kiểm tra và diệt muỗi ở giường ngủ, phòng ngủ; thường xuyên duy trì công tác dọn dẹp tổng vệ sinh; khơi thông cống rãnh trong khu vực đội Quản lý học viên và bên ngoài cảnh quan đơn vị để môi trường luôn sạch sẽ, không có dịch bệnh. Dùng thuốc xịt muỗi, nhang diệt muỗi, vợt muỗi bằng điện…Thoa kem chống muỗi đốt, mặc quần áo dài tay đối với trẻ em, ngủ màn kể cả ban ngày. Thường xuyên cọ, xúc rửa những đồ dùng có thể đựng nước, dùng bàn chải chà sát để loại bỏ trứng muỗi bám vào thành dụng cụ. Đậy nắp hoặc úp khô không cho muỗi vào đẻ trứng. Đối với những dụng cụ chứa nước lớn không thể xúc rửa hoặc đậy nắp được ta có thể thả cá diệt lăng quăng, bọ gậy; loại trừ ổ bọ gậy bằng cách phá hủy hoặc loại bỏ những ổ nước tự nhiên hay nhân tạo trong và xung quanh nơi ở.
Ảnh: Cán bộ, nhân viên phun thuốc trừ muỗi khu vực xung quanh khu vực Đội Quản lý học viên
Nhằm phát động một chiến dịch truyền thông rộng rãi và sâu rộng đến các phòng, ban trong đơn vị và học viên, tạo sức cộng hưởng lan rộng trong toàn xã hội, tiến tới thực hiện các giải pháp, chiến dịch hành động cụ thể để phòng, chống bệnh sốt xuất huyết. Chương trình phòng, chống các bệnh lây truyền từ muỗi nói chung, bệnh sốt xuất huyết nói riêng được cấp ủy, Ban Giám đốc Cơ sở thường xuyên quan tâm chỉ đạo, phổ biến, tuyên truyền, đồng thời đôn đốc, kiểm tra thường xuyên về công tác Phòng chống dịch chính là động lực để cán bộ yên tâm công tác, hoàn thành tốt chuyên môn nhiệm vụ, học viên tích cực lao động học tập và rèn luyện quyết tâm từ bỏ ma túy trở về hòa nhập cộng đồng và xã hội./.
Nguyễn Văn Minh – Cơ sở CNMT số 5 Hà Nội